CÔNG NGHỆ XỬ LÝ NƯỚC THẢI HẠT NHỰA
Xử Lý Nước Thải Sản Xuất Hạt Nhựa
Nhựa là một loại vật liệu rất quen thuộc đối với đời sống của con người, được ứng dụng để làm những loại vật dụng có ích trong đời sống hằng ngày cũng như những sản phẩm công nghiệp cần thiết cho hoạt động của con người. Các sản phẩm làm từ vật liệu nhựa có khả năng bị biến dạng do chịu tác dụng của nhiệt, áp suất và vẫn giữ sự biến dạng đó khi hết tác dụng.
Những năm gần đây thì ngành công nghiệp sản xuất hạt nhựa phát triển khá mạnh để có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng sản phẩm của con người. Bên cạnh những lợi ích kinh tế mà ngành này đóng góp cho xã hội thì cũng có những tác động tiêu cực đến môi trường sống của con người. Đặc biệt là nước thải sản xuất của ngành này đang là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn. Mặc dù lượng nước thải trong nhà máy sản xuất hạt nhựa không cao, đa phần là rửa các đường ống nhựa, vệ sinh đường chuyền sản xuất. Đặc trưng của nước thải nhà máy sản xuất nhựa chủ yếu là các hàm lượng như: SS, BOD, COD và một số chất hoạt động bề mặt như N, P và các vi sinh vật cần được xử lý trong nước thải sinh hoạt của công nhân.
Quy trình sản xuất hạt nhựa:
Với quy trình sản xuất nhựa trên kèm theo nguyên liệu đầu vào sử dụng những vật liệu mang tính chất ô nhiễm khá cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh từ nước thải phát sinh và khí thải từ quá trình đốt nguyên liệu. Nước thải từ sản xuất hạt nhựa cần phải có hệ thống xử lý trước khi xả thải ra ngoài môi trường để không làm ô nhiễm nguồn tiếp nhận cũng như môi trường sống của con người.
Sơ đồ công nghệ xử lý nước thải:
Nước thải được dẫn qua song chắn rác để loại bỏ các tạp chất thô có kích thước lớn tránh làm tắc nghẽn các công trình xử lý sau trước khi dẫn về hố thu gom xử lý tập trung. Sau đó, nước thải được dẫn qua bể điều hòa để ổn định lại lưu lượng và nồng độ nước thải trong bể.
Sau khi ra khỏi bể điều hòa, nước thải được dẫn qua bể keo tụ tạo bông, hóa chất được cho vào giúp các hạt keo trong nước kết dính lại với nhau thành các bông cặn có kích thước lớn và nặng hơn. Nước thải được dẫn qua bể lắng 1 để lắng các bông cặn vừa hình thành, phần nước trong được dẫn qua hệ thống xử lý sinh học. phần bùn sau lắng được đưa về bể chứa bùn để đem đi xử lý.
Nước thải sau lắng được đưa vào bể xử lý sinh học kỵ khí, các VSV sử dụng chất hữu cơ trong nước thải làm nguồn dinh dưỡng trong điều kiện kỵ khí, VSV phân hủy chất hữu cơ thành các chất đơn giản, dễ phân hủy và khí biogas.
Nước thải được dẫn qua bể anoxic để khử N và P có trong nước thải rồi dẫn qua bể sinh học hiếu khí để xử lý phần chất hữu cơ còn lại trong nước thải nhờ VSV hiếu khí phân hủy chất hữu cơ trong nước thải dưới điều kiện được cung cấp đầy đủ oxi.
Sau đó nước thải được dẫn qua bể lắng để lắng cặn sinh học từ quá trình xử lý sinh học trên. Một phần bông bùn sau lắng được dẫn qua bể chứa bùn để đem đi xử lý, một phần được dẫn về bể anoxic.
Phần nước trong sau lắng được dẫn qua thiết bị lọc áp lực để khử màu, mùi, cặn còn lại trong nước thải rồi đem đi khử trùng để tiêu diệt vi khuẩn có hại còn xót lại trong nước. Nước thải đầu ra sau xử lý đạt QCVN 40:2011/BTNMT.