CÔNG NGHỆ XỬ LÝ NƯỚC THẢI SINH HOẠT

Tùy theo nồng độ ô nhiễm, lưu lượng của nguồn nước thải sinh hoạt hay yêu cầu đối với nước đầu ra mà chọn công nghệ xử lý nước thải riêng. Dưới đây là công nghệ thường được áp dụng trong xử lý nước thải sinh hoạt:
1. Sơ đồ công nghệ

2. Thuyết minh công nghệ:

a. Bể thu gom, tách mỡ.
Nước thải từ quá trình sinh hoạt hằng ngày được dẫn về cụm bể thu gom. Bể này có chức năng tiếp nhận trung chuyển nước thải, tách dầu mỡ ra khỏi dòng nước thải. Qua đó giúp nâng cao hiệu quả làm việc và tuổi thọ của các thiết bị trong hệ thống xử lý. Rác, dầu mỡ sẽ được người vận hành thu gom định kì. Nước thải trong bể thu gom sẽ tiếp tục được đưa sang bể điều hòa.
b. Bể điều hòa.
Bể điều hòa có nhiệm vụ điều hòa lưu lượng và nồng độ nước thải, tạo chế độ làm việc ổn định và liên tục cho các công trình xử lý, tránh hiện tượng hệ thống xử lý bị quá tải. Nước thải trong bể điều hòa được sục khí liên tục từ máy thổi khí và hệ thống phân phối khí nhằm tránh hiện tượng yếm khí cũng như lắng cặn dưới đáy bể.

Nước thải sau bể điều hòa được bơm qua bể thiếu khí.
c. Bể thiếu khí
Bằng việc sử dụng các chủng vi sinh vật bám dính dạng thiếu khí trên giá thể lọc sinh học. Bể thiếu khí có chức năng xử lý nitrat (trong nước thải dòng vào và dòng tuần hoàn lại từ bể hồi lưu), thủy phân các hợp chất hữu cơ phức tạp thành các hợp chất hữu cơ đơn giản, xử lý một phần các hợp chất hữu cơ thành CO2, H2O, CH4, H2S, sinh khối mới …
Hàm lượng BOD giảm đáng kể sau khi qua bể này. Nước sau khi qua Bể xử lý thiếu khí được đưa sang Bể hiếu khí để thực hiện quá trình xử lý hiếu khí.
d. Bể hiếu khí 
Tại Bể hiếu khí, Oxy được cung cấp vào bể thông qua bộ khếch tán khí, hệ vi sinh vật hiếu khí sẽ sử dụng oxy để phân hủy phần lớn các hợp chất hữu cơ có trong nước thải. Hệ vi sinh vật hiếu khí dính bám trên hạt mang (giá thể), tạo thành lớp đệm vi sinh chuyển động xáo trộn trong nước thải làm tăng khả năng tiếp xúc giữa vi sinh vật với chất hữu cơ, do đó hiệu quả xử lý của quá trình này cao gấp nhiều lần so với phương án sử dụng bùn hoạt tính truyền thống.
Kết quả của sự phân hủy các chất hữu cơ bởi hệ vi sinh vật hiếu khí là tạo ra các chất vô cơ đơn giản như CO2, H2O, NO3- …, và sinh khối mới.
Nước sau khi qua Bể hiếu khí có hàm lượng BOD không vượt quá 50mg/l, tiếp tục được luân chuyển sang Bể hồi lưu.
e. Bể hồi lưu.
Nước thải sau khi qua bể hiếu khí vẫn còn có thành phần nitrat cao (do quá trình oxy hoá amoni tạo thành), cần được xử lý nhờ hệ vi sinh vật thiếu khí. Nước thải từ bể hiếu khí chảy sang bể hồi lưu. Tại đây đặt bơm hồi lưu nước thải đưa một phần nước thải về bể thiếu khí, giúp xử lý hiệu quả nitrat.
Nước từ bể hồi lưu tự chảy sang bể lắng cơ học.
f. Bể lắng cơ học.
Bể lắng cơ học có chức năng tạo thời gian lưu cần thiết để dưới tác dụng của trọng lực bùn cặn còn sót lại trong nước thải sẽ lắng xuống đáy bể, nước sau lắng được đưa sang bể khử trùng để loại bỏ vi sinh vật trong nước thải.
Bùn cặn thu được tại đáy bể lắng định kỳ được bơm về bể chứa bùn nhờ bơm bùn đặt chìm.
g. Bể chứa bùn.
Bể chứa bùn có nhiệm vụ lắng và chứa cặn (hay còn gọi là sinh khối) hình thành từ quá trình chuyển hóa các hợp chất hữu cơ có trong nước thải từ bể xử lý sinh học.
Thời gian chứa bùn của bể được thiết kế trong khoảng thời gian từ khoảng 2-3 năm.
Ngoài ra, môi trường trong Bể chứa bùn được duy trì trong điều kiện thiếu khí. Điều này giúp loại bỏ Nitrat trong nước tuần hoàn bơm từ bể lắng cơ học về.
Nước từ bể chứa bùn được đưa về bể điều hoà, để tiếp tục được xử lý.
h. Bể khử trùng.
Bể này có chức năng loại bỏ các loại vi sinh vật gây bệnh ra khỏi nước thải bằng hóa chất khử trùng trước khi xả thải.